Nhiều phim Việt gắn mác "kinh dị" nhưng ngập tràn cảnh nóng và tình huống hài hước khiến người xem bật cười hơn là hoảng sợ.
Thể loại kinh dị xuất hiện trong phim Việt Nam rất sớm, khi nền điện ảnh mới hình thành và phát triển ở miền Nam. Năm 1937, bộ phim Cánh đồng ma ra đời với sự xuất hiện của nhà văn Nguyễn Tuân đánh dấu tác phẩm thuộc thể loại kinh dị đầu tiên của Việt Nam. Sau đó là Cô Nga dạo thị thành (1939), Khúc khải hoàn và Toét sợ ma (1940) của nhà làm phim Nguyễn Văn Đinh.
Đến những năm 1970, trào lưu làm phim kinh dị bùng nổ qua hàng loạt tác phẩm như Lệ đá (1971), Con ma nhà họ Hứa (1973), Giỡn mặt tử thần (1975)... Hơn 20 năm sau, đạo diễn Nguyễn Chánh Tín hồi sinh dòng phim kinh dị bằng các tác phẩm như Ngôi nhà oan khốc, Xác chết trên cao nguyên, Chiếc mặt nạ da người... Sau ông, nhiều đạo diễn Việt kiều về nước khai thác dòng phim này, tạo ra làn sóng phim kinh dị Việt thập niên 2000 như Oan hồn (đạo diễn Victor Vũ, 2005), Người yêu ma (đạo diễn Thái Trí Hân, 2007), Mười (phim hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc, của đạo diễn Kim Taek Gyung, 2007), Đêm trong căn nhà hoang (2007), Suối oan hồn, Ngôi nhà bí ẩn (2007)...
Tạo hình nhân vật bị ma ám (áo trắng) do diễn viên Đoàn Châu Mậu thể hiện trong phim "Lệ đá". |
Những năm sau, các đạo diễn Hàm Trần, Lê Văn Kiệt cũng chào sân với Đoạt hồn, Ngôi nhà trong hẻm... Phim kinh dị Việt mới đây nhất là Con ma nhà họ Vương của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng.
Thăng trầm qua hơn bảy thập kỷ từ khi ra đời, phim kinh dị vẫn chưa thỏa mãn được người xem dù số lượng nhiều và đề tài đa dạng. Ngoài một số phim tạo hiệu ứng như Mười, Lời nguyền huyết ngải, Đoạt hồn... đa phần các tác phẩm kinh dị không thuyết phục khán giả ở cách kể chuyện ngô nghê, thủ pháp hù dọa cũ mòn.
Vào năm 1975, phim Giỡn mặt tử thần kể câu chuyện một cô vợ (Thẩm Thúy Hằng) vì ghen tuông đã bắn chết chồng mình trong ngày anh nghỉ phép. Sau đó, cô sống trong tâm trạng bấn loạn bên cạnh xác chết mà không bị ai phát hiện. Song song với cuộc sống của người vợ là hình ảnh cặp vợ chồng già kỳ quái sống cạnh nghĩa địa, người chồng có sở thích ngủ trong quan tài hơn là trên giường. Họ có thể nhìn được và trò chuyện cùng các vong hồn quanh nhà mình. Câu chuyện được gắn mác "kinh dị" này không được ra rạp thời kỳ đó nhưng khán giả thế hệ sau xem lại vẫn phát hiện ra những chi tiết vô lý khi cái xác để lâu không hề phân hủy và không bị phát hiện.
Con ma nhà họ Hứa được coi là bộ phim gây hiệu ứng mạnh vào thập niên 1970 với doanh thu bốn triệu rưỡi đồng sau một ngày ra rạp. Nhiều năm sau nhìn lại, ông bầu của đoàn Dạ Lý Hương - đơn vị đầu tư - thừa nhận phim có nhiều cảnh rùng rợn như xác chết bật dậy từ quan tài, những bộ quần áo nhuốm máu nhưng nội dung câu chuyện không nhiều bất ngờ. Cái kết của phim hé lộ cuộc đời của một cô gái bị bệnh phong, phải sống cách ly với gia đình xã hội.
"Phần lớn những phim kinh dị ở Việt Nam mở đầu câu chuyện bằng ma quỷ nhưng kết thúc bằng âm mưu dàn dựng của con người nhằm triệt hạ, dằn mặt một ai đó. Môtíp quen thuộc, dễ đoán này khiến khán giả mất dần háo hức trước mỗi phim mới ra rạp", Quốc Bảo - tác giả nhiều vở kịch kinh dị - nhận xét.
Hơn 40 năm sau, bộ phim cùng thể loại và có tên na ná là Con ma nhà họ Vương được tung ra trong sự kỳ vọng của khán giả. Tuy nhiên, vừa ra rạp, phim nhận nhiều lời chê hơn là khen ngợi. Mạnh dạn khai thác thể loại tâm lý, kinh dị nhưng Vũ Ngọc Đãng không thành công với những chiêu hù dọa cũ mòn cùng yếu tố tâm lý không rõ ràng. Nhiều khán giả bày tỏ họ cảm thấy cảm giác khó hiểu hơn là rùng rợn sau khi xem phim.
Ánh sáng mờ ảo, nhập nhòa, những con búp bê vấy máu, cơ thể người nằm sõng xoài với nhiều vệt máu loang không còn hù dọa được khán giả. |
Ngoài cách kể chuyện không sáng tạo, phần lớn phim kinh dị đan cài yếu tố sex và hài hước, mà không chú trọng về tình tiết gây thót tim vốn cần thiết cho thể loại này.
Với tâm lý giải tỏa cảm giác căng thẳng cho người xem, các đạo diễn thường đan cài yếu tố hài hước, gợi cảm vào phim nhưng đôi khi cách làm này phản tác dụng. Từ những năm 1970, các nhà làm phim đã sớm đưa hài, sex vào phim kinh dị. Trong Giỡn mặt tử thần, đạo diễn bê nguyên cả bộ tứ diễn viên hài đình đám thời đó vào phim như Tùng Lâm, Thanh Việt, Thanh Hoài, Khả Năng. Những cảnh ân ái trong nhà và bên bờ suối của Thẩm Thúy Hằng với nam diễn viên chính được tái diễn nhiều lần. Điều này khiến khán giả hoang mang khi phim gắn mác "kinh dị".
Tương tự, trong phim Lệ đá phát hành năm 1971, tình yêu đồng giới đã được đề cập qua việc để hồn ma nữ nhập vào thân xác nam giới để đi tìm lại người đàn ông của mình. Đạo diễn đưa lên màn ảnh cảnh hai người đàn ông (Đoàn Châu Mậu, La Thoại Tân) giằng co nhau trên mặt đất. Một người cố trốn chạy còn một người cố ôm chặt đối phương. Mượn câu chuyện một phụ nữ khao khát yêu, khao khát sống để xây dựng mạch kịch bản kinh dị nhưng đạo diễn chưa thuyết phục khán giả khi tạo hình nhân vật không quá khác biệt, ám ảnh để người xem phải rùng mình.
Năm 2014, đạo diễn Troy Lê kết hợp cùng êkíp Thái Lan làm phim Oan hồn. Ngoài những chiêu dọa ma cũ mòn như nhân vật bị dìm trong bồn tắm đầy máu, cửa giật đùng đùng, nến trên bàn thờ vụt tắt... phim khiến khán giả cười nghiêng ngả với những màn bắt ma ngô nghê do các diễn viên Ngô Kiến Huy, Hoàng Rapper và thành viên nhóm hài BB&BG đảm nhận. Sau thất bại của Oan hồn, đạo diễn Troy Lê thừa nhận êkíp chỉ chú trọng yếu tố hài mà quên mất việc làm cho khán giả sợ.
Tương tự, nhiều khán giả thất vọng khi xem Cột mốc 23. Trailer phim khá rùng rợn nhưng suốt 90 phút, ngoài cảnh đôi vợ chồng người bán ớt thoắt ẩn thoắt hiện, người xem không thấy được thông điệp gì ngoài những cảnh sex của Bảo Trúc - Quốc Cường và màn hài tung hứng của Huy Khánh - Diễm Châu.
Nhiều khán giả chỉ nhớ đến "Cột mốc 23" với ca khúc nhạc phim là "Bài ca thịt chó" của Huy Khánh chứ không ấn tượng gì với các cảnh rùng rợn của phim. |
Sau khi xem Con ma nhà họ Vương, nhiều khán giả nhận xét đi xem phim ma nhưng cả rạp toàn thấy tiếng cười. "Ngồi xem mà mọi người trong rạp cười suốt. Ai cũng nói phim kinh dị nhưng không khác gì phim hài. Yếu tố đồng tính bị khai thác gượng gạo, xem xong cũng không hiểu nhân vật được xây dựng như thế để làm gì", một khán giả chia sẻ.
Các phim kinh dị Mỹ hay Nhật, Hàn Quốc hiện nay càng lúc càng có nhiều sáng tạo về mặt ý tưởng cùng các chiêu thức hù dọa mới như sử dụng góc quay là điểm nhìn của nhân vật chính, kết hợp yếu tố kinh dị với các câu chuyện xã hội nóng hổi như vấn đề mạng xã hội, stress trong công việc... "Những đề tài như thế giúp người xem có thể tìm thấy điểm mới mẻ, gần gũi. Trong khi đó, đa phần phim kinh dị Việt xưa nay vẫn chỉ quẩn quanh chuyện người gặp ma, ma dọa người rồi kết thúc là một giấc mơ rất nhàm chán, quen thuộc, nên khó tạo được cảm giác sợ hãi, thích thú", Đức Nhật - một khán giả xem phim kinh dị lâu năm - nói.
Lý giải về việc yếu tố kinh dị chưa đủ hút khán giả, đạo diễn Lê Bảo Trung (phim Bóng ma học đường) từng cho rằng do ranh giới giữa mê tín dị đoan và phim kinh dị khá mập mờ nên nhiều nhà sản xuất không dám "làm tới" vì sợ phim không được ra rạp. Theo khoản 2, điều 9 trong Nghị định 54 của Luật điện ảnh, các hình ảnh, âm thanh, chữ viết thể hiện sự dung thứ với tệ nạn xã hội, gây cảm giác hoảng loạn, mê muội trước các lực lượng siêu nhiên, ma quái bị cấm trong hoạt động điện ảnh.
Châu Mỹ
from Giải trí - VnExpress RSS http://ift.tt/1PXRQ5K
via Đệm bông ép Alias
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét